Diễn đàn Lớp Lịch Sử K33

Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

Share
CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 EmptySat Sep 01, 2012 12:45 am#1
tantruong
Super Moderator lv1
Super Moderator lv1

CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 Thtx_010 CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 Thtx_012
tantruong
CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 Thtx_015 CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 Thtx_017


xem thêm thông tin
Tổng số bài gửi : 274
Join date : 27/07/2012
Tổng số bài gửi : 274
Join date : 27/07/2012
Bài gửi CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2
THÁNG 6

01/06/1949

NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI


Điên cuồng trước âm mưu mở cuộc tiến công phía Nam mặt trận Xô - Đức hòng tiêu diệt Liên Xô, 11h đêm ngày 9/6/1942, trong khi mọi người đang ngủ thì phát xít Hitle sụt vào làng Liđixe - một làng phía Bắc thu đô Praha (Tiệp Khắc). Chúng bắt dân làng tập trung lại rồi xả súng bắn giết dã man, sau đó cho vào lò thiêu. Nhà cửa của cải của dân làng bị cướp bóc, đốt phá. Chỉ trong 1 ngày 10/6/1942, chúng đã giết 92 người trong đó có 88 trẻ em.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, sau khi bị đánh bật ra ngoài biên giới Liên Xô, tại Ôđrađua, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Gơlani ở miền Trung nước Pháp, bọn phát xít Hítle lại gây ra những tội ác mới. Chúng bao vây Ôrađua, gí súng đẩy từng người một vào nhà thờ rồi tưới xăng thiêu chết 1.400 người, trong đó có 200 trẻ em.

Cái chết thê thảm của dân làng Liđixe và Ôrađua đã thúc giục nhân dân Châu Âu đứng lên cùng Hồng quân Liên Xô đánh thắng chủ nghĩa phát xít. Để khắc sâu căm thù đối với những cuộc thảm sát do bọn phát xít Đức gây ra trong những ngày tháng 6 và để biểu dương ý chí của các bà mẹ, của những người quan tâm tới trẻ con, quyết phấn đấu cho tương lai, hoà bình và hạnh phúc của con em mình, tháng 1/1949, liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới họp ở Matxcơva (Liên Xô) đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm này Quốc Tế thiếu nhi. Tiếp theo đó, tháng 4/1952 tại Viên đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả chính phủ các nước đặt ra những pháp luật cho nước mình nhằm bảo đảm hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.

Đến năm 1955, đại hội các bà mẹ hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxcơva đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lai chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu siết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước.

Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ, thanh niên ở các nước lấy ngày 1/6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lục gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.

Ở nước ta, từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 1/6 đã được tổ chức hàng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non tổ cho tổ quốc. Nhà nước ta cũng ban hành pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng, coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân. Việt Nam là nuớc đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước về quyền trẻ em – văn kiện pháp lý quốc tế đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ giúp đỡ đặc biệt.

21/6/1925

NGÀY BÁO CHÍ VIỆT NAM


Ngày 21/6/1925, tờ báo thanh niên do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Để ghi nhớ công ơn của chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, ban Bí Thư Trung Ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 là Ngày Báo Chí Việt Nam nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trước xã hội. Với tinh thần đó, ngày 21/6/1985 là ngày báo chí Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên ở nước ta.

Suốt trong những chặng đường cách mạng, báo chí Việt Nam và đội ngũ nhà báo đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và “Xứng đáng với một trong những nền báo chí cách mạng trên thế giới”.

28/06

NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM


Ngày 28/6/2001 được chọn là ngày gia đình Việt Nam đầu tiên theo chỉ thị số 55/BCT của bộ chính trị và quyết định 72/2001/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ký ngày 4/5/2001.

Theo quyết định 72 của thủ tướng chính phủ, việc chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam là nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”

Ngày gia đình Việt Nam là mốc thời gian quan trọng để cho những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay trở về.





THÁNG 7

15/7/1950

NGÀY TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG

“Thanh niên xung phong là một biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng mở đầu cuộc cách mạng tháng tám vĩ đại năm 1945.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng thanh niên xung phong nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, đã góp phần cống hiến quý báo vào thắng lợi huy hoàng, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, thực hiện ước mơ của bao thế hệ người Việt Nam”.

(Phạm Văn Đồng – trích trong tập sách “Thanh niên xung phong- những trang oanh liệt”-NXB,Thanh niên,1996)

Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Trung Ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Đoàn thanh vận Trung Ương quyết định thành lập đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên Giới. Ban chỉ huy lâm thời của đội gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, uỷ viên ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc là đội trưởng và bí thư chi bộ. Đội có 225 đội viên đầu tiên, được tổ chức thành 3 liên đội.

Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:

· Đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương (15/7/1950)

· Đội thanh niên xung phong (26/3/1953)

· Đoàn thanh niên xung phong Trung Ương (12/1963)

· Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965)

· Lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (20/4/1964)

· Ban thanh niên xung phong – Lao động trẻ (3/1986)


“ Trong sự nghiệp chống nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lực lượng thanh niên xung phong đã phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội như tham gia vào các chương trình, dự án: phủ xanh đất trồng trọt, nước sạch cho nông thôn, sử dụng mắt nước, bãi bồi ven biển, ánh sáng văn hoá, dạy nghề, giới thiệu việc làm…. với ý chí và nghị lực, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắc làm nên.”(Phạm Văn Đồng).

Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế hệ, theo đề nghị của Uỷ Ban Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, ngày 30/6/1995, thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 382/TTG quy định lấy ngày 15/5 hàng năm làm ngày truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.

Nhân dịp này, ban chấp hành Trung Ương Đảng đã tặng lực lượng thanh niên xung phong bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên xung phong - Chiến đấu dũng cảm – Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc”.

27/7/1947

NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ


Cách mạng tháng tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Núp sau quân Anh - Ấn, chúng trắng trợn gây nên những vụ xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp đó, khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, thực dân Pháp gây ra những vụ bắn phá giết hại dân ta ở Hải Phòng, Hà Nội….. mở đường cho việc xâm lược cả nước ta.

Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị thương và hi sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, góp phần chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bênh binh một cách tận tình chu đáo.

Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” sau đổi tên “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là hội trưởng danh dự của hội.

Ngày 28/5/1946, “hội giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ chủ tịch đã đến dự. Ngày 7/11/1946, cũng tại nhà hát thành phố Hà Nội, buổi quyên góp ủng hộ quần áo giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận đã được tổ chức, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, tại đây Hồ chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 6/1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung Ương hội phụ nữ cứu quốc, Trung Ương đoàn thanh niên cứu quốc, cục Chính Trị Quân Đội quốc gia Việt Nam, nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh liệt sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung Ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ – ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý Uống Nước Nhớ Nguồn.

28/7/1929

NGÀY THÀNH LẬP TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM


Cuối năm 1924, đầu năm 1925, tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, Người đặt cơ sở lý luận cho công đoàn Việt Nam đã đề ra tôn chỉ mục đích hoạt động của Công Hội, đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú trong tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí hội mà nòng cốt là Cộng Sản Đoàn Người cũng đề ra việc “vô sản hoá” – đi vào các xí nghiệp hầm mỏ, đồn điền để vận động giáo dục công nhân vào tổ chức Công Hội.

Cuối năm 1928, đầu năm 1929, nhiều tổ chức Công hội đỏ được thành lập ở các xí nghiệp vá phát triển, dần dần được thống nhất thành tổng Công Hội đỏ cấp tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai).

Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ miền Bắc đã khai mạc. Đại hội thông qua các nhiệm vụ đấu tranh và điều lệ tóm tắt, quyết định ra tờ báo Lao động và tạp chí Công Hội Đỏ, bầu ban chấp hành.

Tiếp đó, các tổng Công Hội đỏ ở miển Trung, miền Nam, được thành lập. từ năm 1930, tổng Công Hội đỏ đã được hoạt động khắp cả nước. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công Đoàn Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ cam từng giai đoạn:

· Công Hội đỏ (1929 – 1935)

· Nghiệp đoàn Ái Hữu (1936 – 1939)

· Công nhân Phản Đế (1939 – 1941)

· Công nhân cứu quốc (1941 – 1945)

· Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1946 – 1961)

· Tổng Công Đoàn Việt Nam (1961 – 1988)

· Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1961 đến nay)


Bộ chính trị ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày họp đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, làm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu Công Đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

28/7/1995

NGÀY VIỆT NAM GIA NHẬP ASEAN

Đông Nam Á là một khu vực địa lý – lịch sử, kinh tế, văn hoá, chính trị nằm ở phần Đông Nam của Châu Á, bao gồm bán đảo Trung Ấn và vùng hải đảo, có mười nước với tổng diện tích hơn 4,5 triệu km2 và dân số hơn 460triệu người, gồm: Brunei, Campuchia, Singapo, Inđônêsia, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Malixia, Philippines. Tên tiếng Anh: The Association Of Southeast Asia Nations – ASEAN.

ASEAN tuyên bố thành lập ngày 8/8/1967 với 7 mục tiêu: thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hoá trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng hợp tác, nhằm tăng cường cơ sở cho một cộng đồng các nước Đông Nam Á hoà bình thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực bằng việc tôn trọng công lý và nguyên tắc pháp luật trong quan hệ giữa các nước trong vùng và tuân thủ cácc nguyên tắc của hiến chương liên hợp quốc; thúc đẩy sự cộng tác tích cực và giúp đỡ lẫn nhau trong các vấn đề cùng quan tâm trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học – kỹ thuật và hành chính; giúp đỡ nhau dưới nhiều hình thức đào tạo và cung cấp các phương tiện nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, chuyên môn, kỹ thuật và hành chính; cộng tác có hiệu quả hơn để sử dụng tốt hơn nền nông nghiệp và các ngành công nghiệp của nhau, ở rộng mậu dịch kể cả việc nghiên cứu các vấn đề về buôn bán hàng hoá giữa các nước, cải thiện các phương tiện giao thông, liên lạc và nâng cao mức sống của nhân dân; thúc đẩy việc nghiên cứu về Đông Nam Á; duy trì sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực có tôn chỉ và mục đích tương tự và tìm kiếm các cách thức nhằm đạt được một sự hợp tác chắt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức này. Và 6 nguyên tác hoạt động chính: cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền,bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả cá dân tộc; quyền của mọi quốc gia được lãnh đạo hoạt động của dân tộc mình mà không có sự can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực; hợp tác với nhau một cách hiệu quả.

Ngày 28 tháng 7 năm 1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của đất nước Brunei Darussalam tươi đẹp, trong tiếng Quốc ca hùng tráng, Quốc Kỳ Việt Nam đã tung bay phấp phới cùng cờ của 6 thành viên ASEAN khác, mở ra một trang sử mới của khu vực: Việt Nam chính thức là thành viên thứ 7 của ASEAN. Sự kiện này là một dấu son trên con đường hội nhập khu vực và thế giới, đưa nước ta tiến lên con đường phía trước trên con đường xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là nguyện vọng của những người sáng lập ra ASEAN và nhân dân trong khu vực về một hiệp hội bao gồm 10 nước trong khu vực, một ASEAN của Đông Nam Á, do Đông Nam Á, và vì Đông Nam Á, trong đó các quốc gia thành viên cùng nhau hợp tác vì hoà bình, ổn định, phát triển, phồn vinh, góp phần vào sự nghiệp hoà bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

6 năm là một thời gian ngắn ngủi trên con đường phát triển của dân tộc ta, nhưng trong những tháng năm đó, ta đã đạt được nhiều thành tựu: góp phần củng cố môi trườing hoà bình, an ninh thuận lợi hơn cho sự phát triển, bổ sung cho quan hệ song phương bằng quan hệ đa phương thâm hữu trong ASEAN, tham gia có hiệu quả vào quá trình liên kết kinh tế khu vực thông qua việc thực hiện AFTA, khu vực đầu tư ASEAN, tạo thuận lợi cho buôn bán trong khu vực, nối mạng đường bộ, các mạng lưới điện, khí đốt, hợp tác trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, giao thông vận tải, văn hoá, thông tin, giáo dục, phát triển xã hội, xoá đói giảm nghèo, phòng chống tội phạm, bện tất…. điều không kém phần quan trọng là chúng ta xây dựng được mối quan hệ láng giềng tốt, hợp tác và giúp đỡ nhau trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đạt được những kết quả đó là do chúng ta đã nỗ lực thực hiện tốt đường lối ngoại giao đúng đắn trên tinh thần Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển theo hướng đa dạng hoá quan hệ, chủ động hội nhập khu vực và thế giới.



THÁNG 8

19/08/1945

Cách mạng tháng tám, tổng khởi nghĩa giành chính quyền.


Đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Châu Âu, giải phóng hàng loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Béclin. Ngày 8/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân phiệt Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới, những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Uỷ ban khởi nghĩa gửi quân lệnh số 1 cho đồng bào và cho chiến sĩ cả nước ngay trong đêm ấy.

Ngày 16/8/1945, đại hội họp ở Tân Trào đã thông qua “10 Chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “lệnh tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra uỷ ban dân tộc giải phóng Trung Ương, tức chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuốc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công.

Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14/8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Từ ngày 14 đến 18, tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An.

Ngày 17/8, ở Hà Nội, tổng hội viên chức chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mittinh lớn tại Quảng trường nhà hát thành phố, có hàng vạn người tham gia để ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trong mittinh này, dưới sự lãnh đạo của xứ Uỷ Bắc Kỳ và thành Uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, chiếm lấy diễn đàn cuộc mittinh, cán bộ Việt Minh đã diễn thuyết báo tin cho đồng bào biết quân phiệt Nhật đã đầu hàng và giới thiệu chủ trương đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân đánh đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Cuộc mittinh đã tiến thành cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, bắt đầu từ quảng trường nhà hát thành phố và lan khắp nơi trên phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng khí thế sục sôi khởi nghĩa.

Ngụy quyền cực kỳ bối rối hoang mang, chúng dựng lên cái gọi là “Uỷ ban chính trị” đề nghị với Việt Minh: “Đằng nào các ông cũng thắng, nhưng để điều đình với Đồng Minh sẽ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, đề nghị vùng nông thôn cách thành phố 15km là thuộc quyền các ông, còn thành phố cần có nhân sĩ, trí thức đứng ra giao dịch với Đồng Minh”.

Đại biểu Việt Minh đã trả lời dứt khoát, “giao dịch với Đồng Minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”.
Sáng ngày 19/8, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mittinh. Họ vừa đi vừa hô khẩu hiệu:

* Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.
* Thành lập chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam.
* Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập hàng ngũ chiến đấu bên cạnh Việt Minh.
* Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Cuộc mittinh diễn ra vào ngày 19/8/1945. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến Quân Ca, đại biểu uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mittinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn.

Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi.
Cách mạng tháng tám là sự kiện vĩ đại trong lich sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời.


THÁNG 9

2/9/1945

QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Cách mạng tháng tám thành công, Trung Ương Đảng phái đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xả Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội.

Tại cuộc họp của chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Người một chính phủ thống nhất toàn quốc thể hiện ở chính sách đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ được thành lập.

Buổi trưa ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, trong cuộc mitting của trên 50vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận chào mừng chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập! …. Nước Việt Nam có quyền đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết là sự phát triển của bản yêu cầu mà Người gửi cho hội nghị hòa bình ở Vec-xây năm 1919, là sự phát triển của chương trình Việt Minh mà người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta.

“ Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ngày độc lập 2/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc

Từ đó, ngày 2/9 trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10/9/1955

THÀNH LẬP MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Đại hội mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc họp từ 5/9 đến 10/9/1955 tại thủ đô Hà Nội quyết định thành lập mặt trận tổ quốc Việt Nam, tiếp tục sự nghiệp đoàn kết của mặt trận Việt Minh và mặt trận Liên Việt trước đây.

Đại hội bầu ra một Ủy ban Trung Ương gồm 98 uỷ viên, chủ tịch là cụ Tôn Đức Thắng và chủ tịch danh dự là cụ Hồ Chí Minh.Các ủy viên trong Ủy ban Trung Ương mặt trận đại diện cho tất cả các đoàn thể thuộc nhiều xu hướng chính trị, tôn giáo, thành phần giai cấp khác nhau. Quan hệ giữa các tổ chức trong mặt trận dựa trên nguyên tắc thương lượng dân chủ đi đến thống nhất hoạt động, thân ái hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tôn trọng tính chất độc lập của mỗi tổ chức.

Nói chuyện trong buổi lễ bế mạc thành lập mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hồ chủ tịch đã chỉ rõ: “Cương lĩnh này là một cương lĩnh đại đoàn kết, mục đích của nó là đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước…”. Người khẳng định: “Mặt trận tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

12/9/1930

XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao cao trào cách mạng năm 1930 – 1931 ở nước ta, được mở đầu bằng cuộc biểu tình kỷ niệm ngày quốc tế lãnh đạo 1/5/1930 tại ngã ba Bến Thuỷ, thành phố Vinh của công nhân nhà máy Trường Thi, diêm Bến Thuỷ và nông dân cả huyện Hưng Yên, Nghi Lộc, Thanh Chương. Giặc Pháp và tay sai đã đàn áp dã man những cuộc xuống đường này.

Ngày 30/8/1945, 3.000 nông dân các huyện Nam Đàn vũ trang kéo lên huyện đốt giấy tờ, phá nhà lao. 1/9, 2 vạn công nhân Thanh Chương bao vây huyện đường. Cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra ở Dương Châu, Can Lộc, Anh Sơn, Nghi Lộc và đỉnh cao là cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên với sự ra đời của uỷ ban Xô Viết ngày 12/9/1930.

Bài ca “Thanh niên cận vệ” hùng tráng đã cổ cũ các chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh trẻ tuổi vùng lên.

…. Chúng ta là thanh niên cận vệ!
Chúng ta là đội cận vệ của ngày mai
Sinh trưởng trong nơi đớn đao, khốn cùng
Một là toàn thắng, hai là hi sinh
Vì công lý mà ta ra đấu tranh…..

Khí thế của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10 năm 1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Sự xuất hiện các Xô Viết làm chức năng chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo đã phát triển ở nhiều vùng rộng lớn trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngày 19/2/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gởi lên ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản về cuộc đấu tranh ở Nghệ Tĩnh đã khẳng định: “bom đạn, súng máy, đốt nhà, dồn binh … đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh”. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh có thể xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên để tổng khởi nghĩa tháng tám diễn ra thành công trong cả nước.

20/9/1977

Ngày nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc

Tổ chức Liên Hiệp Quốc thành lập ngày 24/10/1945 trên cơ sở hiến chương được 51 nước tham gia ký ngày 24/10/1945. Trụ sở đặt tại New York (Mỹ).
Mục tiêu của tổ chức Liên Hiệp Quốc là duy trì hoà bình, an ninh quốc tế thông qua những biện pháp tập thể hữu hiệu, ngăn ngừa và loại bỏ những mối đe doạ tới hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế, các tranh chấp quốc tế hay những tình hình có thể phá hoại nền hoà bình; xây dựng quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng giữa các quốc gia, quyền tự do quyết định của các dân tộc, và áp dụng các biện pháp phù hợp để củng cố nền hoà bình thế giới; thực hiện hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, nhân đạo, thúc đẩy khuyến khích tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay ngôn ngữ; là trung tâm điều hòa các hoạt động của các quốc gia để đạt được các mục tiêu trên.

Liên Hiệp Quốc có các cơ quan chính: đại hội đồng, hội đồng bảo an, ban thư ký, đứng đầu là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra còn có 16 tổ chức liên chính phủ có hiệp định riêng với Liên Hiệp Quốc, là các tổ chức chuyên môn và có chế độ báo cáo với hội đồng kinh tế - xã hội; cơ quan nguyên tử năng lượng quốc tế (IAEA), tổ chức lãnh đạo quốc tế (ILO), tổ chức nông – lương (FAO), tổ chức văn hoá khoa học và giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO), tổ chức y tế thế giới (WHO), ngân hàng thế giới (WB), quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Liên hiệp bưu chính quốc tế (IPU), liên hiệp viễn thông quốc tế (ITU), tổ chức thuỷ văn quốc tế (WMO), tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), tổ chức tài sản trí tuệ thế giới (WIPO), quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), hiệp định chung về thương mại thế giới (GATT) – (từ 1/1/1995 là tổ chức thương mại thế giới – WTO), tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO).
Thành viên của Liên Hiệp Quốc có 185 nước (khoá 51 ĐHĐ/LHQ – 1996). Việt Nam là thành viên Liên Hiệp Quốc từ 20/9/1997

23/9/1945

Ngày Nam Bộ Kháng chiến

Chỉ 3 tuần lễ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam Bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam Bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.

7h sáng ngày 23/9, Xứ uỷ và Uỷ ban hành chính Nam Bộ (sau đổi tên thành Uỷ ban kháng chiến) họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung Ương Đảng và tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong toả địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ Kháng Chiến.

Chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay những ngày đầu quân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chấ của chúng. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước. Nhiều tỉnh Nam Bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược.

Ban thường vụ Trung Ương Đảng họp chủ trương đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài Bắc. Ngày 27/9/1945, chủ tich Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc. Người nêu cao lẽ sống “thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Tháng 2/1946, thay mặt chính phủ và đồng bào cả nước, chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng tổ quốc”



THÁNG 10

1/10/1991
Ngày quốc tế người cao tuổi


Ý thức được tầm quan trọng của người cao tuổi, năm 1982 lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc đã tiến hành Đại hội thế giới về tuổi già tại Áo, hơn 3.000 đại biểu của hầu hết các nước trên thế giới tham dự. Đại biểu của Việt Nam là giáo sư Phạm Khuê, viện trưởng viện lão khoa Việt Nam. Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già và khuyến nghị chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình, tập trung vào 6 lĩnh vực:

* Sức khoẻ và ăn uống
* Nhà ở và môi trường.
* Gia đình.
* Dịch vụ và bảo trợ xã hội.
* Việc làm.
* Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi.

Đến năm 1990, tức 8 năm sau Đại hội thế giới ở Áo, để tập trung sự chú ý của thế giới về vấn đề người cao tuổi, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm làm ngày quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ 1/10/1991.

14/10/1930
Ngày thành lập hội nông dân Việt Nam


Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và thanh niên cách mạng đồng chí hội, cuối năm 1926 đầu năm 1927, một số địa phương hình thành “Nông Hội Đỏ” chỉ đạo cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh dân chủ; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Cao Lãnh, Sa Đéc, Gia Định, Đức Phổ, Duyên Hà, Tiền Hải…. đi tới đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngay từ khi thành lập, Đảng ta rất coi trọng việc giáo dục, tổ chức, động viên đưa quần chúng ra đấu tranh chính trị và xây dựng đội quân chính trị quần chúng cách mạng. Tại kỳ họp ban chấp hành Trung Ương Đảng lần I (khoá I) từ 14/10 đến cuối tháng 10 năm 1930, “Nông hội đỏ” chính thức ra đời. Sự kiện thành lập Nông hôi đỏ đánh dấu sự trưởng thành quan trọng về chất của giai cấp nông dân Việt Nam. Lần đầu tiên đưa gia cấp nông dân có đoàn thể cách mạng của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, tổ chức Hội nông dân Việt Nam liên tục phát triển dưới nhiều hình thức và tên gọi phù hợp: “Hội tương tê ái hữu”, “Hội nông dân phản đế”, “Hội nông dân cứu quốc”, trở thành một thành viên chủ lực của mặt trận Việt Minh, là lực lượng nòng cốt và đông đảo nhất tham gia khởi nghĩa tháng tám 1945.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổ chức Hội được duy trì và liên tục phát triển. Hội nông dân giải phóng Miền Nam được thành lập, là thành viên quan trọng của mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, tham gia các phong trào cách mạng: đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận; xây dựng hậu phương chiến đấu tại chỗ…., góp phần làm thất bại mọi âm mưu thâm độc của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc, hội nông dân tập thể đã vận động nông dân đi theo con đường hợp tác hoá: vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ hậu phương, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam – thành đồng tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Chiến thắng mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ mới, nông dân 2 miền Nam Bắc sát cánh cùng toàn dân đi tiếp con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn; nhiệt tình tham gia xây dựng tổ chức của giai cấp nông dân - hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam từng bước lớn mạnh. Ngày 1/3/1988, hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam được đổi tên là hội nông dân Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần I hội nông dân Việt Nam họp từ ngày 28 đến ngày 29/3/1988 tại Hà Nội, là một cột móc quan trọng, một bước ngoặc có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển của phong trào nông dân: Hội nông dân Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân được chính thức thành lập, có hệ thống từ Trung Ương đến cơ sở; khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng ta về vai trò, vị trí của giai cấp công nông dân và hội nông dân Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng, đồng thời đề ra những mục tiêu, nội dung hoạt động của Hội, thực hiện đường lối mới của Đảng.

15/10/1956
Ngày truyền thống Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam


Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, theo chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức đoàn kết, tập hợp thanh niên do Đoàn thanh niên làm nòng cốt đã hoạt động liên tục và phát triển mạnh mẽ từ đó tới nay. Ngày 27/3/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 38 về việc thành lập nhà thanh niên và thể thao. Cũng vào thời gian đó, ban thường vụ Trung Ương Đảng chỉ thị cho tổng bộ Việt Minh chuẩn bị thành lập Đoàn thanh niên Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu đoàn kết , tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phục vụ sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc”. Tháng 6/1946, tổng Đoàn thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là đoàn thanh niên Việt Nam), sau đổi tên thành liên đoàn thanh niên Việt Nam – là một tổ chức rộng rãi của mọi tầng lớp thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của liên đoàn. Với ý nghĩa mở rộng khối đại đoàn kết thanh niên, tăng thêm các thành viên tập thể của mắt trận đoàn kết tập hợp thanh niên (ở vùng tự do và vùng mời giải phóng) đại hội đại biểu toàn quốc liên đoàn thanh niên Việt Nam lần II (từ ngày 8 đến ngày 15/10/1956 tại thu đô Hà Nội) đã quyết định thành lập Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và coi đại hội này là đại hội lần I thành lập hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Qua 45 năm cống hiến, xây dựng và trưởng thành, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam đã lận nhiều chiến công, viết những trang vàng vào lịch sử dân tộc gắn liền với những địa danh, những gương oanh liệt của tuổi trẻ Việt Nam. Ngày 15/10/1956 là ngày đánh dấu sự ra đời của hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và ngày này hàng năm là ngày truyền thống của hội.

20/10/1930
Ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam


Từ nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ (tháng 10/1939) đến các nghị quyết của Đảng nói về công tác phụ nữ, các bài viết của chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta đều gắng liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Phụ nữ được coi là một tổ chức quần chúng của Đảng. Qua các thời kỳ, tổ chức phụ nữ đã có những tên gọi khác nhau phù hợp với nhiệm vụ cách mạng:

* Hội phụ nữ phản đế (20/10/1930)
* Đoàn phụ nữ cứu quốc (16/6/1941)
* Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1946)

Với đoàn phụ nữ cứu quốc làm nòng cốt, tháng 4/1950 đoàn phụ nữ cứu quốc đã họp nhất vào hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hội phụ nữ giải phóng (thành lập ngày 8/3/1961) ở miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cũng hợp nhất vào hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tháng 6/1976. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam được Đảng tổ chức và lãnh đạo để làm cách mạng và chăm lo quyền lợi cho phụ nữ Việt Nam, thực hiện nam nữ bình đẳng.
Qua gia đoạn cách mạng, phụ nữ Việt Nam luôn luôn xứng đáng với lời khen ngợi của chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.” Nhân diệp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nhà nước ta tặng huân chương Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập hội, Đảng và nhà nước ta đã trao tặng huân chương sao vàng cho Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam


THÁNG 11

20/11/1982

Ngày Nhà Giáo Việt Nam


Cách đây trên 1/3 thế kỷ, tháng 8/1957, hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại vácsava (Ba Lan) đã lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo.
Nghị quyết của hội nghị đã được nhanh chóng phổ biến đến các trường học, cơ sở quản lý giáo dục miền Bắc và đồng bào, giáo giới, học sinh miền Nam. Ngày 20/11, ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên trên miền Bắc nước ta.
Sau ngày giải phóng miền Nam, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc ca mẹ học sinh, ngày 20/11 hàng năm đã được tiến hành trong cả nước. Ngày 20/11 dần dần khắc sâu và tâm trí, tình cảm của mọi người, trở thành hoạt động tự giác của mọi tầng lớp nhân dân, được tổ chức đều đặn hằng năm, mặc dù từ lâu trên thế giới không tổ chức ngày hiến chương các nhà giáo nữa.
Ngày 20/11 ở nước ta trước tiên là ngày giáo viên, cán bộ ngành giáo dục biểu thị sự nhất trí hoàn toàn với đường lối cách mạng của Đảng, với các chủ trương lớn của nhà nước. Đó cũng là ngày động viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của Đảng và nhà nước, là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy cô giáo. Các em học sinh đã hưởng ứng ngày 20/11 hằng năm bằng những hoạt động tỏ lòng quý mến biết ơn thầy cô, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức. Các bậc cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền Đoàn thể ở địa phương cũng nhân ngày này tổ chức thăm hỏi các thầy cô giáo hoặc tổ chức trao đổi với các giáo viên về nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
Ngày 20/11 xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền thống nhà giáo Việt Nam.
Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20/11 từ nay làm ngày nhà giáo Việt Nam dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20/11 đã qua, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các nhà giáo. Quyết định đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ tổ quốc. Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên khuyến khích các nhà giáo, ngày 30/5/1985 chủ tịch hội đồng nhà nước đã ký lệnh công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật….. (trong đó có các sách giáo khoa cho các trường học) và pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông, giáo viên bổ túc văn hoá, giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp… có thành tích xuất sắc.

23/11/1940

Ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa

Tháng 6/1940, nước Pháp bị quân đội phát xít Hítle chiếm đóng. Nhân cơ hội này, tháng 9/1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Thực dân pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật. Từ đây nhân dân Việt Nam bị 2 kẻ thù thống trị là Pháp và Nhật. Căm thù thực dân Pháp và được tinh thần cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cổ vũ, nhân dân nhiều tỉnh Nam Bộ đã vùng lên đấu tranh quyết liệt chống quân thù.
Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ dù đã có lệnh hoãn của Trung Ương Đảng nhưng truyền đạt không kịp. Ở hầu hết khắp các tỉnh thành miền Nam, nhất là Mỹ Tho, quần chúng nổi dậy chiến đấu rất dũng cảm. Chính quyền của địch ở một xã và quận hoan mang, tan rã. Đội viên các đội tự vệ và du kích trong cuộc khởi nghĩa hầu hết là trẻ tuổi. Họ hăng hái chống địch bằng vũ khí thô sơ. Trong trận đánh quân tiếp viện của địch từ Tây Ninh đến ứng cứu cho tỉnh lỵ Hóc Môn bị quân khởi nghĩa bao vây, du kích bắn chết tên thực dân ác ôn cùng nhiều lính địch ở cầu Bông. Ở Mỹ Tho, các đội tự vệ cùng nhân dân phá tan bộ máy chính quyền của địch ở 54 trong tổng số 57 xã thuộc hai huyện Châu Thành và Cai Lậy. Ở những xã này, các tổ chức Đảng và quân khởi nghĩa đã tịch thu các kho thóc của bọn địa chủ chia cho dân nghèo. Cũng tại Mỹ Tho, lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng sau này trở thành quốc kỳ cùa nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau đại thắng mùa xuân 1975.
Thực dân Pháp và tay sai đã đàn áp cuộc khởi nghĩa một cách vô cùng tàn khốc. Chúng cho máy bay dội bom và bắn phá nhiều làng mạc, có thôn xóm không còn ai sống sót. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra vào lúc kẻ thù con tương đối mạnh nên đã bị thất bại, song sự kiện đó đã nêu cao tinh thần anh dũng bất khuất của nhân dân Việt Nam, là tiếng kèn xung trận vang vọng núi sông từ Nam ra Bắc dưới ngọn cờ của Đảng.



THÁNG 12

1/12
Ngày thế giới phòng chống AIDS

Nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là HIV/AIDS) đang là một đại dịch nguy hiểm, một hiểm hoạ cho sức khoẻ, tính mạng con người trên thế giới vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Đại dịch AIDS còn gây ra hậu quả trầm trọng về kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia và tương lai nòi giống các dân tộc. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh về AIDS tại Paris, Pháp đã tuyên bố: “Đưa công cuộc phòng chống AIDS lên vị trí ưu tiên, huy động toàn xã hội, các ngành của nhà nước, tư nhân, các hội, kể cả những người nhiễm HIV/AIDS tham gia vao các hoạt động đa ngành, liên Chính Phủ, phi Chính Phủ, các phong trào liên kết nhằm phòng chống đại dịch….., xây dựng một thế giới không có AIDS”.
Vì ý nghiã quan trọng của hội nghị, ngày 1/12 hàng năm đã được chọn là ngày thế giới phòng chống AIDS.
Tại Việt Nam, tình hình nhiễm HIV/AIDS đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại (tính đến ngày 30/0/2001 cả nước có 41.622 người nhiễm HIV, chuyển sang AIDS có 6.251 ca, số tử vong là 3.426người). Trong những năm qua, ngành y tế nói chung và cán bộ y tế nói riêng đã cùng với các ngành các cấp có những đóng góp đáng kể trong việc phòng chống HIV/AIDS. Song muốn làm tốt công tác này trước hết cần xã hội hoá để mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội được trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia tự nguyện của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn đại dịch.

19/12/1946
Ngày toàn quốc kháng chiến

Sau cách mạng tháng tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thục hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Bội ước hiệp định sơ bộ 6/3/1945 và thoả ước 19/4/1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội.
Ngày 18 và 19/12/1946, hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung Ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.
Ngày 19/12/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng bắt chúng ta nhân nhượng. nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”
Đáp lời kêu gọi cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến. Quân và dân cả nước cũng đã vùng lên kháng chiến và giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc ta.

22/12/1944
Thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày quốc phòng toàn dân.

Đầu năm 1941, chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Người chủ toạ hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ 8 tại Pắc Bó. Hội nghị quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh hội” gọi tắt là Việt Minh, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang để chuẩn bị tranh thủ thời cơ, đi từ “khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương” để “mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn giành chính quyền trong cả nước”.
Sau hội nghị ấy, đội du kích Bắc Sơn đổi tên là cứu quốc quân. Ngày 15/9/1941, trung đội cứu quốc quân 2 được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, châu Vũ Nhai, tỉnh Lạng Sơn. Đầu năm 1944, căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai mở rộng sang châu Sơn Dương (Tuyên Quang) và trung đội cứu quốc quân 3 được thành lập ngày 25/2/1944 ở Khuổi Kịch, Sơn Dương (Tuyên Quang).
Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến mau lẹ. Hồng Quân Liên Xô chuyển sang phản công thắng lợi trên nhiều măt trận. Tháng 8/1944, Trung Ương Đảng kêu gọi nhân dân “cầm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi khắp nơi. Cuối năm 1944, nhân dân vùng Cao – Băc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa.
Tháng 10/1944, sau một thời gian ở nước ngoài, chủ tịch Hồ Chí Minh về nước chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng. Người nói: “thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên.”
Để đáp ứng yêu cầu đó, chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong chỉ thị ghi rõ: “Tên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ các du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực…
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.
Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ nó rất vẻ vang….nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước chúng ta…”
Chấp hành chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại châu Nguyên Bình, Cao Bằng, trong một khu rừng nằm giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo. Trung Ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức lãnh đạo và tuyên bố thành lập Đội. Đội gồm 34 người (có 3 nữ) chi thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Vũ khí gồm có 34 khẩu súng các loại. Sau lễ thành lập, toàn đội đi ăn một nữa cơm nhạt, không rau không muối để tượng trưng cho tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1990, theo nghị quyết số 2 bộ chính trị, ngày 22/12 hàng năm trở thành ngày hội quốc phòng toàn dân.[b]

Chữ Ký
[Click để xem chữ kí của tantruong]


CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 Collap10 CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 EmptyNhững bài viết mới cùng chuyên mục CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 Newnew10
CÁC NGÀY LỄ TRONG NĂM CỦA NƯỚC TA PHẦN 2 Empty Tên bài viếtTác giảNgười gửi cuối
 

Trả lời nhanh


Chuyển đến:
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Powered by Forumotion® Version 2
Copyright ©2000 - 2012, Jelsoft Enterprises Ltd.
Designed by Mr.Trung Đức
VTK33 Class, DLU.
LSK33 Copyright © 2010 - 2012
Dalat University
Bạn ơi, đăng ký đi Đăng ký